Hướng dẫn đặt tên công ty không bị trùng, đúng luật cho Startup!

Bạn đang ở đây

Gợi ý đặt tên công ty không bị trùng cho Startup chuẩn nhất 2023

11/07/23 Lượt xem: 11

Làm sao để đặt tên công ty không bị trùng là câu hỏi được nhiều startup quan tâm. Bởi khi bắt đầu kinh doanh, tên công ty không chỉ là danh tính của doanh nghiệp, mà còn là yếu tố ảnh hưởng đến sự nhận diện, uy tín và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tìm hiểu cách đặt tên công ty không bị trùng và những thông tin liên quan qua bài viết sau!

Thế nào là tên công ty dễ bị trùng, gây nhầm lẫn?

Để đặt tên công ty không bị trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn, bạn cần nắm rõ quy định về đặt tên doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020. Cụ thể:

  1. Theo khoản 1, điều 41, luật doanh nghiệp 2020: Tên trùng là tên tiếng Việt của công ty đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của công ty đã đăng ký

  2. Theo Khoản 2 điều 41 Luật doanh nghiệp 2020, tên gây nhầm lẫn là những trường hợp tên của công ty có những điểm giống và trùng lặp dẫn đến việc có thể gây nhầm lẫn với tên của công ty đã đăng ký. Các trường hợp và ví dụ về tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn bao gồm:

  • Tên công ty mới đăng ký bằng tiếng Việt có cách phát âm tương tự như tên công ty đã đăng ký trước đó. 

Ví dụ: Công ty cổ phần Vinno và Công ty cổ phần Vynno

  • Tên công ty mới đăng ký viết tắt giống hệt với tên công ty đã đăng ký viết tắt. 

  • Tên công ty mới đăng ký bằng tiếng nước ngoài trùng khớp hoàn toàn với tên công ty đã đăng ký bằng tiếng nước ngoài. 

  • Tên riêng của công ty mới đăng ký chỉ khác biệt với tên riêng của công ty cùng loại đã đăng ký bởi một số nguyên, số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của công ty đó. 

Ví dụ: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ A và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ A1

  • Tên riêng của công ty mới đăng ký chỉ khác với tên riêng của công ty cùng loại đã đăng ký bởi một ký tự đặc biệt như: “&”, “.”, “+”, “-”, “_”.

Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân ACB và Doanh nghiệp tư nhân AC.B

  • Tên riêng của công ty mới đăng ký chỉ khác biệt với tên riêng của công ty cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ở đầu hoặc từ “mới” ở đầu hoặc cuối tên riêng của công ty đã đăng ký.

  • Tên riêng của doanh nghiệp mới đăng ký chỉ khác biệt với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ chỉ vùng miền như: “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”.

Cách đặt tên công ty không bị trùng, đúng luật

Tùy thuộc vào cơ cấu kinh doanh mà bạn nên lựa chọn tên công ty cho phù hợp. Để đặt tên công ty không bị trùng, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:

  • Thêm ngành nghề, hình thức đầu tư hoặc lĩnh vực kinh doanh ở trước tên riêng. Ví dụ: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Dương để phân biệt với Công ty TNHH Hải Dương

  • Thêm vào trước hoặc sau tên công ty một cụm chữ số, ví dụ như số “may mắn”, địa chỉ trụ sở, năm thành lập. Ví dụ: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hà Nội 68 để phân biệt với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hà Nội

  • Thêm cụm tên viết tắt bằng tiếng Anh hoặc cụm từ mang ý nghĩa đặc biệt với người thành lập công ty. Ví dụ:  Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hà Nội YOLO để phân biệt với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hà Nội

  • Thêm địa danh vào trước hoặc sau tên riêng của công ty (không khuyến khích dùng cách này do có thể xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp)

Cách kiểm tra tên công ty có bị trùng không

Sau khi đặt được tên công ty ưng ý, bạn cần kiểm tra xem tên công ty có bị trùng hay không trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Truy cập vào địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ 

  • Bước 2: Nhập tên công ty vào ô "Tra cứu thông tin doanh nghiệp", nhấn nút tra cứu

  • Bước 3: Xem kết quả. 

Nếu kết quả hiển thị là "Không tìm thấy thông tin doanh nghiệp", nghĩa là tên công ty của bạn chưa bị trùng. Nếu kết quả hiển thị là "Tìm thấy ... doanh nghiệp", nghĩa là tên công ty của bạn đã bị trùng với một hoặc nhiều doanh nghiệp khác.

Cách kiểm tra tên công ty có bị trùng không

Câu hỏi thường gặp về đặt tên công ty

Các loại “tên” mà doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ?

Đặt tên công ty không bị trùng và đăng ký tên doanh nghiệp thôi chưa đủ. 3 loại tên phổ biến mà doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ bởi cơ quan có thẩm quyền bao gồm:

  • Tên doanh nghiệp (tên thực thể):  Là tên được sử dụng để phân biệt một doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động. Tên doanh nghiệp phải được đăng ký bảo hộ để tránh bị trùng lặp, nhầm lẫn hoặc gây hiểu lầm cho khách hàng và đối tác

  • Tên nhãn hiệu:  Là tên được sử dụng để phân biệt một sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp với các sản phẩm hoặc dịch vụ khác trên thị trường. Tên nhãn hiệu phải được đăng ký bảo hộ để tránh bị sao chép, làm giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

  • Tên miền website: Là địa chỉ truy cập vào trang web của doanh nghiệp trên mạng Internet. Tên miền website phải được đăng ký bảo hộ để tránh bị chiếm dụng, sao chép hoặc lợi dụng bởi các bên khác

Các cơ quan nào có thẩm quyền bảo hộ vấn đề liên quan đến tên, thương hiệu?

(1) Cục Sở hữu trí tuệ: Là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, bao gồm tên nhãn hiệu. Bạn có thể liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ qua địa chỉ https://ipvietnam.gov.vn/

(2) Cục quản lý đăng ký kinh doanh: Là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký kinh doanh, bao gồm tên doanh nghiệp. Bạn có thể liên hệ với Cục Đăng ký kinh doanh qua địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/; 

(3) Cục Quản lý Internet Việt Nam:  Là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng và phát triển Internet tại Việt Nam, bao gồm tên miền website. Bạn có thể liên hệ với Cục Quản lý Internet Việt Nam qua địa chỉ https://vnnic.vn/.

Hy vọng rằng, những thông tin Vinno cung cấp giúp bạn hiểu hơn về nguyên tắc đặt tên công ty để đặt tên công ty không bị trùng. Đừng quên theo dõi Vinno để luôn cập nhật kiến thức kinh doanh mới nhất các bạn nhé!

Thông tin khác

Bình luận